Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam: Nâng cao chất lượng nghiên cứu và tư vấn chính sách trong tình hình mới
24/03/02023 19:07

Ngày 22-3, tại TP Đà Nẵng, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Kinh tế toàn quốc lần thứ nhất. GS, TSKH Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, các nhà lý luận kinh tế chủ chốt cả nước đã tập hợp tham luận, củng cố những luận cứ khoa học mang tính khả thi và hiệu quả cho các định hướng, giải pháp, chương trình hành động phát triển Việt Nam thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới đang thay đổi nhanh chóng.

Phát biểu đề dẫn, GS, TSKH Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết, hội thảo đã nhận được gần 100 tham luận, công trình nghiên cứu của các nhà kinh tế, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về kinh tế, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, tập trung thảo luận các nội dung: Bối cảnh quốc tế mới và các vấn đề năm 2023 liên quan doanh nghiệp, rào cản, khó khăn; các vấn đề thể chế, cải cách doanh nghiệp, cải cách tài chính; các khu vực kinh tế, xuất nhập khẩu và đổi mới sáng tạo; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững - an sinh xã hội...

 

GS, TSKH Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Thảo luận tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, trước nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế trong bối cảnh mới, cùng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các nhà khoa học tham gia hội thảo đề xuất với Đảng, Nhà nước: Cần đẩy mạnh một cách toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, từ đó chủ động tạo vị thế và cơ hội cho đất nước phát triển, tránh tụt hậu và bị “chèn ép”, gây phức tạp trên bình diện quốc tế và khu vực.

Thực hiện đúng và sáng tạo các khâu đột phá chiến lược

Về 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực), gắn với đổi mới tư duy chiến lược của kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong bối cảnh mới, các nhà khoa học tham gia hội thảo đều thống nhất, các đột phá chiến lược cần thực hiện đúng và sáng tạo, dựa trên đổi mới tư duy kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, bảo vệ lợi ích quốc gia lâu dài theo đường lối của Đảng.

 

Quang cảnh Hội thảo Khoa học kinh tế lần thứ nhất năm 2023.

Cùng với đó, Quốc hội cần có chương trình xây dựng pháp luật một cách đồng bộ, hệ thống, không chỉ căn cứ đề xuất riêng lẻ do các ban ngành đề xuất; đổi mới hệ thống quản trị quốc gia, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời khuyến khích và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.

Về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, các đại biểu đề xuất: Khu vực kinh tế nhà nước phải là nền móng vững chắc cho phát triển, khu vực kinh tế tư nhân, nhất là tư nhân trong nước phải vươn lên trở thành nhân tố phát triển quan trọng như đầu tàu phát triển với các mũi đột phá trong mạng lưới cung ứng toàn cầu...

Hội nghị tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng tổng các nguồn lực: “Nguồn lực trong nước có ý nghĩa quyết định. Nguồn lực bên ngoài là quan trọng, góp phần có ý nghĩa đột phá trong một số lĩnh vực quan trọng”.

 

Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo.

Các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế tham gia hội thảo.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phần lớn các nhà khoa học hoan nghênh việc xây dựng Quỹ đầu tư phát triển vùng của TP Hồ Chí Minh. Theo đó, cần tạo nguồn quỹ này từ cả vốn nhà nước, vốn địa phương, vốn doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nguồn quốc tế đa dạng, không vi phạm chủ quyền Việt Nam, bảo vệ lợi ích lâu dài của đất nước, doanh nghiệp và người dân.

Về vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với quy hoạch tổng thể quốc gia, thực hiện “chuyển đổi kép” (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số), các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, dựa trên tư duy phát triển hiện đai, hướng tới phát triển bền vững. Hội nghị tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang về việc phải xây dựng các chương trình hành động cụ thể, khả thi, hiệu quả, thích hợp với từng tình huống cụ thể.

Tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân

PGS, TS Trần Đình Thiên, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cho đến nay, qua hơn 35 năm đổi mới, nhiều thành tích phát triển kinh tế của Việt Nam mang lại sự tự hào chính đáng. Nhưng để duy trì triển vọng đó, vấn đề không phải là kiểm đếm thành tích, mà phải nhận diện đúng thực trạng, chỉ rõ các điểm yếu, điểm nghẽn của nền kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển.

 

PGS, TS Trần Đình Thiên, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo 

Cùng bàn về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương trăn trở: "Trong Báo cáo chính trị Đại Hội XIII, đã xác định: “Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh” và đẩy mạnh cổ phần hóa... Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế”.

 

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tham luận. 

Tuy nhiên những năm gần đây, không ít địa phương có chủ trương ưu tiên, ưu đãi đầu tư nước ngoài nhiều hơn phát triển các doanh nghiệp dân tộc, miễn giảm thuế, tạo mặt bằng đất đai thuận lợi hơn... Hệ quả là, tạo nên sự bất bình đẳng với doanh nghiệp nội địa. Do đó, Đảng, Nhà nước cần đánh giá nghiêm túc, khách quan về thành tích xuất nhập khẩu trong những năm gần đây khi sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa còn khiêm tốn, có nguy cơ dẫn đến nền kinh tế “gia công”. Do đó, Nhà nước cần có khung pháp pháp luật phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp dân tộc, khuyến khích sự phát triển các doanh nghiệp trong nước, để yếu tố nội lực ngày càng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước trong thời đại hội nhập.

Đưa nông nghiệp vươn tầm thế giới

Việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp tham dự hội thảo quan tâm, tích cực thảo luận. Trong đó đáng chú ý có phương thức, cách làm sáng tạo của tỉnh Sơn La. Theo ông Cà Văn Chiu, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế tỉnh Sơn La, những năm qua, việc phát triển ngành nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao được cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc, trong đó chú trọng việc ứng dụng công nghệ cao vào một số khâu như: Công nghệ tưới tiết kiệm, nhà lưới, nhà kính, sử dụng giống mới cây mô; triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm...

 

Ông Cà Văn Chiu phát biểu tại hội thảo. 

Một trong những chủ trương lớn cũng được tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm đó là: Chính sách kêu gọi đầu tư, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước về sản xuất, chứng nhận, chế biến, xuất khẩu nông sản hoạt động có hiệu quả. Hiện nhiều sản phẩm nông nghiệp của Sơn La đã vào được thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...

 

TS Lê Thị Xuân Liên trình bày tham luận về phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch tại Quảng Trị. 

TS Lê Thị Xuân Liên, Hội Khoa học Kinh tế tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, để sản phẩm nông nghiệp vươn ra thế giới, ngành nông nghiệp cần phải đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần ổn định chính trị - xã hội của địa phương. Tiếp tục phát triển trồng trọt theo hướng nông nghiệp thông minh, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung quy mô lớn, gắn liền với đầu tư tăng nhanh năng lực công nghiệp bảo quản, chế biến sâu, gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông thôn với nguồn nhân lực được đào tạo đáp ứng với yêu cầu sản xuất hàng hóa và chất lượng sản phẩm ngày càng cao.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. 

Các nhà khoa học cũng cho rằng, việc phát triển trồng trọt cần phát huy lợi thế vùng miền theo hướng chuyên canh, an toàn bền vững, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, ứng dụng nhanh thành tựu khoa học công nghệ cao, công nghệ mới về giống, công nghệ sinh học, canh tác và thu hoạch, phấn đấu mỗi địa phương đều có những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, góp phần vào thành quả chung của ngành nông nghiệp Việt Nam, hướng đến xuất khẩu.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Theo www.qdnd.vn