Định hướng chuyển đổi mô hình trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội
15/11/02021 10:27

Trăn trở của GS Trần Phương – Chủ tịch, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội vì một tương lai giáo dục...

GS. Trần Phương làm việc với Hội về định hướng chuyển đổi và kiện toàn tổ chức Trường Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, với sự có mặt của Văn phòng luật ngày 10/11/2021.
GS. Trần Phương làm việc với Hội về định hướng chuyển đổi và kiện toàn tổ chức Trường Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, với sự có mặt của Văn phòng luật ngày 10/11/2021.

Kính gửi: Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu, toàn thể cán bộ nhân viên, giáo viên, các cổ đông – người góp vốn.

Trong 25 năm xây dựng và phát triển của Trường đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội, tập thể giáo viên, cán bộ nhân viên và các nhà khoa học đã dành toàn bộ tâm huyết, tri thức cống hiến cho đất nước, tập thể nhà trường đã được Chính phủ, xã hội ghi nhận và Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội trở thành một trong những ngôi trường ngoài công lập lớn nhất, uy tín nhất với cơ sở vật chất Nhà trường hiện đại tại Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Quản trị và Ban giám hiệu, Trường đã luôn duy trì định hướng Trường đại học hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận trong suốt chặng đường vừa qua.

Ngay từ khi thành lập, Nhà trường đã đặt mục tiêu xây dựng một môi trường làm việc cho các nhà khoa học, giáo viên và gia đình những người góp vốn, đặt mục tiêu chất lượng đào tạo và phổ cập kiến thức lên trên mục tiêu lợi nhuận; vì vậy ở thời khắc chuyển giao mô hình theo Luật giáo dục đại học cần phải có sự ghi nhận tới:

  • Sự cống hiến của các thế hệ cán bộ nhân viên, giáo viên trong suốt 25 năm qua.
  • Những người đã tham gia góp vốn gây dựng cho trường cần được tôn trọng quyền định đoạt tài sản đã được Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định và Đại hội cổ đông năm 2016 thông qua tại điều lệ;
  • Những sứ mệnh và giá trị của nhà trường kiên trì bảo vệ, duy trì và phát triển, và chuyển giao cho các thế hệ để cho tương lai; Đây cũng là tôn chỉ ngay từ khi thành lập ra trường;

Tôi yêu cầu Đảng ủy, Ban giám hiệu và các tổ chức xã hội trong và ngoài trường, các cựu sinh viên, học viên phải là ngọn cờ tiên phong lãnh đạo, quy tụ sự đoàn kết, phải biết lắng nghe, chia sẻ vì sự phát triển chung của tập thể, cùng chung sức xây dựng Ngôi nhà chung HUBT bền vững. Mô hình mới phải đảm bảo được những giá trị truyền thống nhưng cũng phải vì sự phát triển của tương lai, thích ứng với sự thay đổi của xã hội:  

  • Người lao động phải đảm bảo quyền việc làm và quyền dân chủ; Đời sống vật chất tinh thần phải được nâng cao; Có môi trường cống hiến;
  • Cán bộ quản lý phải công bằng, minh bạch, thượng tôn pháp luật và luôn là Nhà giáo có đạo đức là Đảng viên gương mẫu;
  • Nhà nghiên cứu phải có môi trường làm việc phát huy sứ mệnh nghiên cứu, sáng tạo góp phần xây dựng đất nước Xã hội chủ nghĩa;
  • Người góp vốn cần phải được tôn trọng quyền định đoạt tài sản theo Điều lệ của Trường và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Mọi người góp vốn cần sáng suốt lựa chọn quyết định bầu ra những người đại diện bằng lá phiếu của mình; Mọi người đều bình đẳng không ai có quyền tước đoạt xâm phạm lợi ích và tài sản của tập thể, cá nhân;
  • Sứ mệnh của Nhà trường phải tiếp tục lan tỏa tri thức tới nhiều nhất các đối tượng có nhu cầu học tập trong xã hội; Sinh viên, học viên phải được hưởng môi trường học tập tốt nhất với chi phí phù hợp;
  • Các thế hệ sinh viên học viên bao gồm cả các cựu học viên có điểm tựa và niềm tự hào về nơi đã đào tạo;
  • Trường phải có trách nhiệm đóng góp cho xã hội cho đất nước bằng các hoạt động giáo dục, nghiên cứu và trách nhiệm nghĩa vụ theo luật định;

Tôi yêu cầu Đảng ủy, tập thể Ban giám hiệu, Hội đồng quản trị và các tổ chức đoàn thể phải đoàn kết có trách nhiệm với vận mệnh của Nhà trường, với cán bộ giảng viên và học viên của Trường. Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ theo công văn số 7429/VPCP-KGVX và tôn trọng ý kiến của người góp vốn; Mọi quyết định cần phải được công khai tuân thủ pháp luật và lan tỏa tới mọi thành viên.

Tôi đã cùng các nhà khoa học của Hội khoa học kinh tế Việt Nam thành lập trường, đóng góp trí tuệ, tài sản từ những ngày đầu. Tôi thấy rằng Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cần phải nêu cao vai trò của tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì xã hội cùng với các đoàn thể, các tổ chức, các cổ đông, các sáng lập viên và cán bộ giáo viên bảo vệ, gìn giữ và phát triển các giá trị của trường.

Tôi sẵn lòng lắng nghe ý kiến đóng góp của tập thể, cá nhân các cán bộ, giáo viên và cổ đông về tương lai của trường. Mọi ý kiến yêu cầu gửi qua Văn phòng Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam để tập hợp báo cáo nhằm hoàn thiện mô hình mới.

Cùng ngày, GS Trần Phương – Chủ tịch, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội đã ký Quyết định về việc đình chỉ chức danh Phó Hiệu trưởng Thường trực đối với ông Đinh Văn Tiến và bổ nhiệm ông Nguyễn Công Nghiệp là Phó Hiệu trưởng Thường trực của Trường.